Hội thảo khoa học quốc tế "Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế theo pháp luật Việt Nam, Trung Quốc và pháp luật quốc tế"
Ngày cập nhật: 20-12-2021Ngày 17/12/2021, Trường Đại học Luật, Đại học Huế và Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trung Nam, Trung Quốc đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế theo pháp luật Việt Nam, Trung Quốc và pháp luật quốc tế".
Tham dự Hội thảo, về phía lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế có Bà Đặng Thị Mỹ Ngọc, Phó trưởng ban nội chính Tỉnh ủy; Ông Trần Nhơn Vượng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Tỉnh; Ông Bùi Văn Thanh, Chánh Tòa Hành chính Tòa án Tỉnh. Về phía Trường Đại học Luật, Đại học Huế có PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng cùng các đồng chí trong Ban giám hiệu; Trưởng, phó các đơn vị và toàn thể giảng viên, các nhà khoa học và sinh viên Nhà trường. Về phía Viện Tư pháp Hình sự, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trung Nam, Trung Quốc có PGS.TS. Châu Lăng, TS. Trần Tuyết và các thành viên của Đoàn. Các đại biểu mời có TS. Trần Kim Liễu, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Trường Đại học Luật Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; ThS. Hà Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; ThS. Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Bình Dương.
Chủ trì Hội nghị gồm có PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật; PGS.TS. Châu Lăng, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trung Nam, Trung Quốc và TS. Hà Lệ Thủy, Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Duy Phương, Phó Hiệu trưởng và PGS.TS. Châu Lăng, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trung Nam, Trung Quốc phát biểu chúc mừng Hội thảo, hai đơn vị nhấn mạnh: Phối hợp tổ chức Hội thảo cùng với Trường Đại học Kinh tế Luật Trung Nam - là trường Đại học trực thuộc Bộ Giáo dục Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nằm trong danh sách các trường đại học thuộc đề án 211 - hướng đến xây dựng 100 trường đại học với các ngành trọng điểm trong thế kỷ 21 của Trung Quốc; chúng tôi cũng vui mừng nhận được sự đồng tham gia của các nhà khoa học đầu ngành đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội- cở sở đào tạo Luật uy tín trên cả nước để tổ chức hội thảo khoa học quốc tế: "Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế theo pháp luật Việt Nam, Trung Quốc và pháp luật Quốc tế".
Đây là chủ đề có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng của toàn đảng, toàn dân đồng thời cũng góp phần phát huy vai trò hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm mà Công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng cũng như Luật phòng chống tham nhũng 2018 của Việt Nam đã nêu rõ. Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Đảng và nhà nước ta đang quan tâm sâu sắc đến các nội dung “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Đặc biệt quan điểm, chủ trương của Đảng trong Đại hội lần thứ XIII đã có những bước phát triển mới về phòng, chống tham nhũng, với nhiều biện pháp, như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đảng nhấn mạnh: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”. Mặc dù trong những năm qua, phòng chống tham nhũng của nhà nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào". Nhờ đó, số vụ án được đưa ra xử lý tăng và số tài sản tham nhũng được thu hồi đã đạt được kết quả tích cực
Tuy nhiên, trong bối cảnh ở nước ta hiện nay còn rất nhiều vấn đề đặt ra để bàn thảo như: cần phải có cơ chế chính sách để xử lý tội phạm tham nhũng, cơ chế hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tham nhũng; các biện pháp tịch thu tài sản tham nhũng và tài sản có nguồn gốc tội phạm; vấn đề hình sự hóa một số hành vi có liên quan đến hành vi tham nhũng để tạo ra hành lang pháp lý trong việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm tham nhũng... Đó là những nội dung rộng lớn, khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải được nghiên cứu, thảo luận, thống nhất nhận thức và hành động. Hội thảo của chúng ta sẽ thảo luận sâu rộng ở một số nội dung lớn đó, góp phần tăng cường thống nhất nhận thức, trao đổi pháp lý và kiến nghị cho cơ quan có thẩm quyền trong việc ban hành chính sách pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng,..
TS. Nguyễn Ngọc Kiện, Trưởng Khoa Luật Hình sự, thay mặt ban chủ tọa báo cáo đề dẫn định hướng trong việc tiếp cận các nội dung cần thảo luận tại Hội thảo.
Hội thảo có 35 bài viết có chất lượng để in trong Kỷ yếu Hội thảo. Có 04 tham luận báo cáo tại Hội thảo với các nội dung: (1) Xây dựng quy tắc cứng cho hệ thống tuân thủ hình sự của doanh nghiệp, GS. Quách Trạch Cường, TS. Trần Tuyết- Viện Tư pháp hình sự, Trường Đại học Kinh tế-Luật, Trung Nam, Trung Quốc. (2) Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế tiếp cận từ chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến- Trường Đại học Luật Hà Nội. (3) Bình luận mô hình xây dựng thể chế giám sát chống tham nhũng trên thế giới và gợi mở cho Trung Quốc, PGS.TS. Châu Lãng -Viện Tư pháp hình sự, Trường Đại học Kinh tế-Luật, Trung Nam, Trung Quốc. (4) Tịch thu tài sản tham nhũng – Pháp luật một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam, TS. Hà Lệ Thủy, Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự - Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp, tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm có liên quan trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam và Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay.