Hội thảo khoa học "Khuôn khổ pháp luật và công tác phòng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã tại Việt Nam"
Ngày cập nhật: 31-03-2022Ngày 30/3/2022, Trường Đại học Luật, Đại học Huế phối hợp với Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) tổ chức Hội thảo khoa học "Khuôn khổ pháp luật và công tác phòng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã tại Việt Nam".
Tham dự Hội thảo, Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Bà Đoàn Thị Ái Hoa đại diện viện Kiểm sát; BàThái Thị Hồng Vân đại diện Toà án; Ông Lê Cư, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Về phía Đại học Huế, có TS Nguyễn Xuân Huy, Ông Lê Văn Tự, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm vườn quốc gia Bạch Mã. Về phía phối hợp tổ chức (WCS) có Ông Phạm Thành Trung, Quản lý chương trình; Bà Nguyễn Thị Lan Ánh, Trưởng nhóm Hỗ trợ thực thi pháp luật. Về phía Trường Đại học Luật, Đại học Huế có TS. Lê Thị Nga, Trưởng Khoa Luật hành chính; đại diện lãnh đạo các đơn vị và giảng viên Nhà trường.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Thị Nga, Trưởng Khoa Luật hành chính, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã nêu: Động vật hoang dã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống cân bằng cho còn người và các loài động, thực vật khác. Tuy nhiên một thực tế đáng buồn là trong những năm qua chúng ta đã và đang chứng kiến sự suy giảm của các loài động vật hoang dã, và tiếc thay đó lại là hệ quả của các hành vi ứng xử của chúng ta với các loài động vật, từ việc làm suy thoái môi trường sống, cho đến tập quán, phong tục của con người trong việc sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Điều này đã dẫn đến việc hình thành một thị trường “béo bở” cho các hoạt động săn bắt, buôn bán các loài động vật hoang dã. Điều này dẫn đến một thực tế đáng buồn là nhiều loài động vật hoang dã đã biến mất khỏi hành tinh xanh, một số loài đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Việt Nam là ngôi nhà của rất nhiều loài động vật hoang dã. Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Thị trường buôn bán các loài hoang dã trái phép ở khu vực Đông Nam Á được ước tính có trị giá lên tới 8-10 tỷ đô-la Mỹ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các loài bản địa của khu vực cũng như các loài ở châu lục khác như tê giác và voi châu Phi. Việt Nam vừa là nơi cung cấp, trung chuyển, vừa là điểm đến của nạn buôn bán động vật hoang dã. Việc khai thác quá mức động vật hoang dã đã gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng sự phát triển bền vững trong tương lai,..
Hội thảo có 04 bài tham luận đã được báo cáo tại Hội thảo, tập trung vào các vấn đề: (1) Tổng quan tình hình buôn bán trái phép ĐVHD và công tác phòng, chống buôn bán trái phép ĐVHD tại Việt Nam; (2) Khuôn khổ pháp luật về bảo vệ ĐVHD: Tổng quan và các khó khăn vướng mắc; (3) Chia sẻ về thực tiễn công tác quản lý, thực thi pháp luật phòng, chống buôn bán trái phép ĐVHD; (4) Tăng cường sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức xã hội trong phòng, chống, buôn bán trái phép ĐVHD: Cơ sở pháp lý, vai trò, thực trạng và giải pháp.
Hội thảo đã chia sẻ các thông tin thiết thực, góp phần quan trọng vào quá trình tăng cường kiến thức về pháp luật bảo vệ ĐVHD và công tác phòng, chống buôn bán trái phép ĐVHD; thúc đẩy sự tham gia của các cá nhân, đơn vị trong công tác phòng, chống buôn bán trái phép ĐVHD và tăng cường quan hệ phối hợp giữa Tổ chức WCS và Trường Đại học Luật, Đại học Huế trong thực hiện các hoạt động hợp tác trong năm 2022.
Tổng kết hội thảo, Ban chủ trì Hội thảo đã đánh giá các nội dung đã đạt được đã góp phần lan tỏa và thúc đẩy hoạt động bảo vệ động vật hoang dã. Hội thảo được phối hợp tổ chức giữa Wildlife Conservation Society tại Việt và Trường Đại học Luật, Đại học Huế, được sự ủng hộ của Hội đồng Châu Âu là sự kiện mở màn cho một loạt cho các hoạt động truyền thông, tập huấn nhằm chia sẻ kinh nghiệm hoạt động bảo vệ ĐVHD và kết nối mạng lưới các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế cho hoạt động bảo vệ động vật hoang dã trong thời gian tới./.
Tin và bài: Lê Ngọc Phú