"Pháp điển hóa pháp luật dân sự ở Châu Á: Thành tựu và thách thức"
Ngày cập nhật: 19-06-2023Sáng nay, 3.12, Trường Đại học Luật, Đại học Huế phối hợp cùng với Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Kinh tế - Luật Trung Nam Trung Quốc chức Hội thảo khoa học quốc tế "Pháp điển hóa pháp luật dân sự ở Châu Á: Thành tựu và thách thức". Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hiệu trưởng trường Đại học Luật, Đại học Huế, PGS.TS Đoàn Đức Lương chia sẻ tại Hội thảo
Pháp điển hoá pháp luật nói chung và pháp luật Dân sự nói riêng chưa bao giờ là cũ. Dù ít hay nhiều thì trong hiện tại và tương lai các vấn đề pháp luật trong lĩnh vực Dân sự vẫn luôn vận động và phát triển, đòi hỏi các nhà lý luận và thực tiễn tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện. Trong quá trình hoàn thiện pháp luật Dân sự không thể thiếu hoạt động Pháp điển hoá nhằm tập hợp các văn bản đã có theo một trình tự nhất định, loại bỏ những quy phạm lỗi thời, mâu thuẫn; đồng thời chế định thêm những quy phạm mới thay thế cho những quy phạm bị loại bỏ. Dù vậy, pháp điển hoá pháp luật Dân sự vẫn đang còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu từ lý thuyết, mô hình, lịch sử, vai trò, các yếu tố ảnh hưởng cho đến kinh nghiệm pháp điển hoá ở các quốc gia khu vực Châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Lào, Campuchia,…
Chia sẻ tại Hội thảo Hiệu trưởng trường Đại học Luật, Đại học Huế, PGS.TS Đoàn Đức Lương cho hay Hội thảo khoa học quốc tế “Pháp điển hoá pháp luật dân sự ở châu Á: Thành tựu và thách thức” là một sự kết nối kế tiếp từ hội thảo khoa học quốc tế "Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế theo pháp luật Việt Nam, Trung Quốc và pháp luật quốc tế" được tổ chức vào tháng 12 năm 2021.
PGS.TS Đoàn Đức Lương tặng hoa chúc mừng tân Hiệu trưởng trường ĐH Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh
“Với các ý tưởng của 5 giảng viên của Trường ĐH Luật, Đại học Huế và Trường ĐH Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (nhóm biên dịch Bộ luật dân sự năm 2020 của Trung Quốc sang tiếng Việt được xuất bản năm 2021) và được sự đồng ý các lãnh đạo 3 trường nên chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế lần này được thông qua và công tác lên kế hoạch triển khai được các bên thống nhất cao. Hội thảo khoa học đã nhận được sự thu hút đông đảo của các nhà khoa học, các giảng viên, các chuyên gia đang công tác thực tiễn tại Việt Nam. Ban tổ chức đã nhận được 47 bài viết khoa học, trong đó có 36 bài của các tác giả Việt Nam, 9 bài viết của các tác giả Trung Quốc và 2 bài viết của các tác giả quốc tế. Với chủ đề của hội thảo, các bài nghiên cứu đã tiếp cận nhiều góc độ khác nhau, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này”, PGS.TS Đoàn Đức Lương cho biết thêm.
Bên cạnh đó, PGS.TS Đoàn Đức Lương còn nhận định: Chắc chắn rằng với một ngày hội thảo, cùng với sự chủ trì và tham luận của các chuyên gia thì hội thảo có ý nghĩa khoa học sâu sắc. Kết quả của Hội thảo được các bên thống nhất biên tập xuất bản thành 1 kỷ yếu khoa học quốc tế có chỉ số Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách (ISBN).
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh cho biết hội thảo sẽ là cơ hội để các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi, bàn thảo và đưa ra những quan điểm, nhận định cũng như chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong lĩnh vực pháp điển hoá pháp luật Dân sự ở Châu Á.