Hội thảo khoa học quốc tế trực tuyến "Asian Legal History"
Ngày cập nhật: 25-07-2021Ngày 24,25/7/2021, Trường Đại học Luật, Đại học Huế phối hợp với Trường Đại học Trung Văn Hong Kong tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế trực tuyến "Asian Legal History".
Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Trung Văn Hong Kong có Phó Giáo sư Christopher Robert; Phó Giáo sư Bùi Ngọc Sơn, Trường Đại học Oxford; các diễn giả và các đại biểu tham dự hội thảo. Về phía Trường Đại học Luật có PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng, PGS.TS. Nguyễn Duy Phương, Phó Hiệu trưởng, Trưởng, phó các đơn vị và cùng các đại biểu, các nhà khoa học tham dự Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Duy Phương đã nêu: (1) Hội thảo đã và đang được biết đến như là một sự kiện khoa học uy tín và được mong đợi trong giới học giả về chủ đề Lịch sử pháp lý châu Á, đã quy tụ được các chuyên gia hàng đầu của khu vực và thế giới để thảo luận về các vấn đề Lịch sử pháp luật Châu Á. (2) Điểm gặp gỡ, kết nối, chia sẻ giữa những người có cùng quan tâm chung đến khu vực nói chung và đến Việt Nam nói riêng, tạo sự tiếp nối trong quan tâm của cộng đồng quốc tế đến vấn đề về lịch sử khu vực nói chung cũng như đối với các vấn đề về lịch sử Việt Nam nói riêng cũng như tạo ra sự kết nối giữa các thế hệ học giả và giữa các lĩnh vực liên quan. (3) Tạo ra động lực cho các nghiên cứu về Lịch sử ở trong và ngoài nước.
Hội thảo có 118 bài tham luận đã được báo cáo tại “Hội thảo Khoa học Quốc tế về “Lịch sử pháp luật Châu Á” với 8 chủ đề nổi bật do Đại học Trung Văn Hong Kong phối hợp với Trường Đại học Luật, Đại học Huế tổ chức. Hội thảo đã thu hút được rất nhiều học giả đến từ các nước ASEAN, từ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan, Indonesia,..
Tổng kết hội thảo, Ban chủ trì Hội thảo đã đánh giá các nội dung đã đạt được. Hội thảo đã góp phần trong việc giao lưu giữa các nền văn hoá, những điểm tương đồng về lịch sử, truyền thống dân tộc của các quốc gia châu Á đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hài hoà hoá pháp luật trong quá trình xây dựng pháp luật của các Quốc gia. Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo, và các bài viết đã góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức về khu vực và quốc tế ở các khía cạnh khác nhau như lịch sử, chính trị, kinh tế, pháp lý, môi trường, văn hóa. Sau khi kết thúc hội thảo, các bài tham luận, các bài viết sẽ được in kỷ yếu làm tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên trong lĩnh vực này.