Hội thảo khoa học Quốc gia "Đổi mới, nâng cao chất lượng các tạp chí Luật học"
Ngày cập nhật: 24-12-2024Hội thảo khoa học Quốc gia "Đổi mới, nâng cao chất lượng các tạp chí Luật học"
Thứ Sáu 29/11/2024 19:02 (GMT+7)
Hội thảo do Trường Đại học Luật, Đại học Huế phối hợp cùng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức. |
(PLVN) - Ngày 29/11, Trường Đại học Luật, Đại học Huế phối hợp cùng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Đổi mới, nâng cao chất lượng các tạp chí Luật học” .
Tham dự hội thảo có GS.TS Phạm Hồng Thái, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luật; GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luật; TS. Nguyễn Văn Hựu, Văn phòng Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước.
Về phía đơn vị đồng tổ chức có PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội. Về phía Trường Đại học Luật, Đại học Huế có PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng; PGS.TS.Nguyễn Duy Phương, Phó Hiệu trưởng cùng Trưởng, phó các đơn vị thuộc Trường và cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường tham dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo PGS.TS Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng trường ĐH Luật, ĐH Huế cho biết, hội thảo lần này là sự kiện để các nhà khoa học, chuyên gia cùng các đại biểu thảo luận về cơ hội phát huy thế mạnh và đề xuất những giải pháp góp phần nâng cao hơn nữa uy tín cũng như chất lượng của các tạp chí Luật học trên toàn quốc.
PGS.TS. Đoàn Đức Lương mong muốn hội thảo sẽ được duy trì tổ chức thường niên để tạo ra diễn đàn uy tín góp phần cùng nhau xây dựng một môi trường sáng tạo và chất lượng cho các tạp chí Luật học.
PGS.TS Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng trường ĐH Luật, ĐH Huế phát biểu khai mạc hội thảo |
Hội thảo đã tiến hành thảo luận với 5 chủ đề chính: Vai trò của tạp chí khoa học với sự phát triển của luật học và một số gợi mở cho việc đổi mới, nâng cao vai trò và chất lượng các tạp chí luật học ở Việt Nam; Về phát triển luật học và phát triển tạp chí ngành luật học ở Việt Nam; Các tiêu chí đánh giá tạp chí khoa học; Hội nhập quốc tế của các tạp chí luật học Việt Nam; Quy trình và tiêu chí xét duyệt tạp chí khoa học của WoS, Scopus và những kinh nghiệm rút ra cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng các tạp chí luật học của Việt Nam.
Trình bày tại hội thảo với chủ đề “Về phát triển Luật học và phát triển tạo chí ngành Luật học, GS.TS Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Luật chia sẻ, luật học và tạp chí ngành luật học có mối quan hệ biện chứng thể hiện ở chỗ luật học sản xuất ra tri thức pháp luật và tạp chí ngành luật là một trong những kênh công bố, lan tỏa, kích thích tri thức pháp luật. Luật học "khỏe mạnh" thì tạp chí ngành luật học "khỏe mạnh", luật học yếu thì tạp chí ngành luật học yếu, luật học có chất lượng, đạt trình độ phát triển cao thì tạp chí ngành luật học có chất lượng, đạt trình độ phát triển cao và ngược lại.
GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luật chia sẻ tại hội thảo |
“Do vậy luật học Việt Nam cần được đổi mới theo hướng phát triển đa ngành, liên ngành, xuyên ngành, tích hợp để luận giải, giải quyết những vấn đề pháp lý- nhà nước, góp phần giải quyết tốt những vấn đề phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước. Nền luật học Việt Nam đổi mới để trở thành nền luật học mang tính phê phán, khai sáng, giải phóng, sáng tạo, trí tuệ. Đây là linh hồn, xu hướng chủ đạo của luật học Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...”, GS.TS Võ Khánh Vinh nhấn mạnh.
Đối với các định hướng phát triển các tạp chí ngành luật học Việt Nam, GS.TS Võ Khánh Vinh cho rằng cần tăng cường, đề cao tính phê phán, khai sáng, giải phóng, sáng tạo, trí tuệ của các công trình được công bố trên các tạp chí ngành luật học Việt Nam. Ưu tiên đăng tải các công trình mang tính tổng kết thực tiễn, phục vụ nhu cầu thực tiễn trong lĩnh vực luật học, góp phần phát triển lý luận luật học. Đồng thời, ưu tiên đăng tải các công trình nghiên cứu so sánh trong lĩnh vực luật học, luận chứng các quy luật phát triển phổ biến của luật học trên thế giới và các quy luật phát triển đặc thù của luật học ở các khu vực, quốc gia khác nhau...
Các nhà nghiên cứu thảo luận |
Góp ý về vấn đề nguồn cán bộ biên tập đối với các tạp chí luật học ở Việt Nam, PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng trường ĐH Luật, ĐH Huế cho rằng, chất lượng của một tạp chí khoa học nói chung và trong lĩnh vực luật nói riêng bao gồm nhiều yếu tố cấu thành như đội ngũ cộng tác viên, vị trí của tạp chí, nội dung và hình thức thể hiện... Trong các yếu tố đó thì không thể thiếu được vai trò của người biên tập. Để thực hiện tốt vai trò của mình, người biên tập cần có những tố chất cơ bản và chuyên sâu để giúp “kiểm soát” chất lượng trước khi xuất bản.
Để nâng cao chất lượng biên tập và sử dụng nguồn biên tập có hiệu quả thì trách nhiệm thuộc về nhiều chủ thể là cơ quan chủ quản, lãnh đạo cơ quan báo chí và biên tập viên hoặc người phân công biên tập. Dưới góc nhìn đó, biên tập phải được xem trọng là một nghề, có tính chuyên nghiệp trong xu thế phát triển của tạp chí khoa học chuyên ngành hiện nay.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm |
Sau phần trình bày tham luận tại phiên chính, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các đại biểu tham dự phần toạ đàm và thảo luận sôi nổi, đa chiều về kinh nghiệm của các tạp chí, thực trạng các vấn đề về tạp chí Luật học ở Việt Nam. Đặc biệt tập trung vào các giải pháp liên quan đến chuyên môn và quản trị tạp chí như: Biên tập; Nguồn chuyên gia bình duyệt; Nguồn kinh phí và vấn đề thu phí xuất bản; Đăng ký sử dụng mã định danh DOI và tham gia các cơ sở dữ liệu chỉ dẫn trích dẫn quốc tế ACI của tạp chí; Sử dụng các phần mềm/công cụ chống sao chép trong bình duyệt bài tạp chí...