Sách “Biện pháp tạm giam trong tố tụng hình sự Việt Nam”, NXB Tư pháp 2020
Ngày cập nhật: 15-10-2020Sách “Biện pháp tạm giam trong tố tụng hình sự Việt Nam”, NXB Tư pháp 2020
Tác giả: TS. Nguyễn Ngọc Kiện
Nội dung
Cuốn chuyên khảo “Biện pháp tạm giam trong tố tụng hình sự Việt Nam” đã làm rõ các nội hàm của chính sách hình sự ở Việt Nam tác động tích cực đến việc bảo đảm pháp lý và bảo đảm thực tiễn đối với NBTG trong TTHS Việt Nam. Trong đó chính sách pháp luật hình sự, thi hành án hình sự, chính sách nhân đạo trong pháp luật hình sự và thi hành án hình sự là nền tảng bảo đảm quyền con người của NBTG. Các cơ sở pháp lý ở Hiến pháp năm 2013 và các văn bản luật hiện thực hóa các quyền cơ bản của NBTG cho thấy về mặt lập pháp ở Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc. Trong đó các tiêu chí, chuẩn mực quốc tế về quyền của NBTG được hệ thống pháp luật về tư pháp hình sự ở Việt Nam cụ thể hóa khá đầy đủ. Các nội dung cơ bản bảo đảm quyền con người của NBTG trong TTHS Việt Nam ở các khía cạnh khác nhau, về nguyên tắc định hướng, xác định thủ tục tố tụng hợp lý và phân định hợp lý thẩm quyền, nhiệm vụ của người tiến hành tố tụng, vai trò tích cực của CQĐT, VKSND và sự chủ động của luật sư thúc đẩy hoạt động điều tra, truy tố, xét xử chuyên nghiệp hơn, tránh sai lầm, oan sai, vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, bị hủy, sửa, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án và kéo dài thời hạn tạm giam ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền của NBTG.
Lần đầu trong khoa học pháp lý Việt Nam, cuốn sách đã đánh giá toàn diện, đầy đủ và có hệ thống về thực trạng quy định của pháp luật TTHS và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam về bảo đảm quyền của NBTG. Đi đến kết luận rằng BLTTHS và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam mới có nhiều điểm tiến bộ về tạm giam, đã giảm tạm giam hàng năm xuống còn khoảng 80% trung bình cho mỗi năm và đã hạn chế dần tình trạng lạm dụng tạm giam .v.v. Trước khi có các văn bản luật đó ra đời, thì tỷ lệ tạm giam khoảng 90% trung bình mỗi năm. Thế nhưng BLTTHS năm 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 còn có nhiều quy định bất cập ảnh hưởng đến thực thi quyền của NBTG. Công tác thi hành tạm giam còn nhiều hạn chế, bị lạm dụng kéo dài, ảnh hưởng đến quyền con người của NBTG. Đó là tỷ lệ tạm giam rất cao, tạm giam kéo dài, nhiều trường hợp tạm không cần thiết. Hàng năm VKSND từ chối phê chuẩn tạm giam, phê chuẩn bắt tạm giam, ban hành hàng nghìn kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu cơ quan chức năng khắc phục vi phạm pháp luật. Trong thi hành tạm giam, vẫn còn nhiều chế độ áp dụng cho NBTG chưa hợp lý, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của NBTG.
Cuốn sách đánh giá thực tiễn áp dụng BPTG trên quy mô toàn quốc và điển hình tại tỉnh Bình Phước, đặc biệt là đã khảo sát 300 NBTG ở một số trại tạm giam, nhà tạm giữ ở một số tỉnh thành. Cuốn sách làm rõ các nguyên nhân của hạn chế, tồn tại từ thực tiễn; tìm ra vấn đề vì sao lại có tình trạng lạm dụng tạm giam kéo dài? Bằng việc áp dụng phương pháp khảo sát (khảo sát 300 NBTG), đã kiểm chứng xác thực về bảo đảm quyền cho NBTG. Bên cạnh đó một hệ thống giải pháp được đề xuất có tính mới, toàn diện và sáng tạo.