[THƯ MỜI THAM GIA HỘI NGHỊ KHOA HỌC CẤP KHOA NĂM 2024: “PHÁP LUẬT QUỐC TẾ TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG 4.0”]
Thông tin đơn vị
Ngày 26/01/2000, Khoa Luật trực thuộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế được thành lập trên cơ sở Quyết định số 020/QĐ-ĐHH-TCNS của Giám đốc Đại học Huế. Khoa Luật bao gồm 03 Bộ môn: Bộ môn Luật Hành chính – Nhà nước, Bộ môn Luật Tư pháp – Dân sự và Bộ môn Luật Kinh tế - Quốc tế. Ngày 19 tháng 8 năm 2009, Giám đốc Đại học Huế ban hành Quyết định số 868/QĐ-ĐHH-TCNS thành lập Khoa Luật trực thuộc Đại học Huế trên cơ sở tách Khoa Luật từ Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Bộ môn Luật Kinh tế - Quốc tế vẫn là một trong ba Bộ môn trực thuộc Khoa Luật, Đại học Huế. Đến ngày 03/03/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 274/QĐ-TTg chính thức thành lập Trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế. Cùng với đó, Bộ môn Luật Kinh tế - Quốc tế được chuyển đổi thành Khoa Luật Kinh tế và Khoa Luật Quốc tế. Ngày 03/04/2015, Hiệu trường Trường Đại học Luật, Đại học Huế ra Quyết định số 16/QĐ-ĐHL thành lập Khoa Luật Quốc tế trực thuộc Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
Khoa Luật Quốc tế là một trong những đơn vị chuyên môn có bề dày truyền thống và thành tích của Trường Đại học Luật, Đại học Huế. Sứ mạng của Khoa là đào tạo, nghiên cứu và cung cấp dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực pháp luật quốc tế, thương mại quốc tế và các lĩnh vực do Khoa đảm nhận. Trong những năm qua, Khoa Luật Quốc tế đã có nhiều sự phát triển về đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nguồn nhân lực pháp lý khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.
Chức năng và nhiệm vụ
Khoa Luật Quốc tế thực hiện hai chức năng cơ bản bao gồm: Tham mưu, giúp việc cho Hiệu trưởng về công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực pháp luật quốc tế và thực hiện các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn; quản lý công tác chuyên môn và quản lý người học thuộc thẩm quyền và trách nhiệm được giao.
Bên cạnh đó, Khoa Luật Quốc tế thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau đây: Xây dựng, tổ chức, giám sát và tổng kết đánh giá thực hiện kế hoạch giảng dạy, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và quản lý người học hằng năm; Tổ chức thực hiện kế hoạch và quản lý quá trình đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động phục vụ cộng đồng và các hoạt động giáo dục khác theo kế hoạch của Nhà trường; Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động phục vụ cộng đồng và các hoạt động giáo dục khác theo sự phân cấp của Hiệu trưởng; Chủ động đề xuất việc sử dụng, cơ cấu nhân sự đơn vị; Quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và người học thuộc Khoa Luật Quốc tế theo sự phân cấp của Hiệu trưởng; Quản lý chất lượng, nội dung, phương pháp đào tạo và nghiên cứu khoa học cấp Khoa; Chủ động đề xuất điều chỉnh, bổ sung các học phần trong chương trình đào tạo, đề cương chi tiết học phần, ngân hàng đề thi, giáo trình, tài liệu học tập, thiết bị dạy – học; Tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình các học phần do Khoa phụ trách (như Luật quốc tế hay Công pháp quốc tế, Luật Thương mại quốc tế, Luật học so sánh); Đề xuất thành viên tham gia vào các hội đồng xét duyệt và nghiệm thu đề tài khoa học các cấp do người học và giảng viên của Khoa là chủ nhiệm đề tài; Tổ chức nghiên cứu, cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Hiệu trưởng.
Đội ngũ giảng viên của Khoa đảm nhận nhiều nhiệm vụ như: xây dựng chương trình và giảng dạy các môn học pháp luật về lĩnh vực thương mại quốc tế, luật quốc tế, luật học so sánh cho sinh viên của Trường Đại học Luật, Đại học Huế theo chương trình đào tạo cử nhân luật của Trường.
Khoa cũng xây dựng chương trình và tham gia công tác đào tạo thạc sĩ và nghiên cứu sinh chuyên ngành luật kinh tế theo chương trình, kế hoạch của Trường. Giảng viên của Khoa thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, thực tập cuối khoá, viết khoá luận tốt nghiêp cuối khoá; hướng dẫn học viên cao học thực hiện đề tài luận văn cao học chuyên ngành Luật Kinh tế.
Khoa Luật Quốc tế đã xuất bản thành công các Giáo trình, Tài liệu học tập và các Bộ tình huống hướng dẫn các học phần phục vụ công tác đào tạo các học phần do Khoa phụ trách. Các giảng viên của Khoa cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố cả trong và ngoài nước.
Đội ngũ giảng viên
Tính đến năm 2023, Khoa Luật Quốc tế hiện có 11 giảng viên, trong đó có 02 Tiến sĩ, 03 Nghiên cứu sinh, 08 Thạc sĩ và 01 cử nhân (đang theo học Chương trình thạc sĩ Luật ở nước ngoài). Khoa có 02 giảng viên là Tiến sĩ luật từ các Trường Đại học danh giá ở Đức và Australia.
Với định hướng nghiên cứu pháp luật quốc tế trong các lĩnh vực biển, môi trường, quyền con người, thương mại và đầu tư quốc tế, đội ngũ giảng viên Khoa Luật Quốc tế đã tham gia thực hiện các Đề tài Khoa học công nghệ cấp Bộ (01 Đề tài đã hoàn thành vào năm 2020 và 01 Đề tài đã hoàn thành vào năm 2022), các Đề tài nghiên cứu cấp Đại học Huế và cấp Trường về nhiều vấn đề pháp luật quốc tế hiện đại hiện nay, có thể kể đến như Hợp đồng hàng hải quốc tế, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, pháp luật quốc tế về đánh bắt cá trên biển Đông. Ngoài ra, giảng viên của Khoa Luật Quốc tế cũng có nhiều bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước, tham gia nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, xuất bản thành công các sách, chương sách, bài báo với các Nhà xuất bản và tạp chí quốc tế nổi tiếng.
Hàng năm, đội ngũ giảng viên của Khoa Luật Quốc tế hướng dẫn và huấn luyện sinh viên tham dự các cuộc thi diễn án trong lĩnh vực pháp luật quốc tế như FDI Moot Competition, CISG Moot Competition, IHL Moot Competition và nhiều cuộc thi diễn án khác. Các đội thi đã tham gia với tinh thần học hỏi trải nghiệm và hoàn thiện bản thân, cũng như gặt gái được thành công đáng kể khi thường xuyên lọt vào các vòng đấu bán kết của các cuộc thi.
Đặc biệt, đội thi của trường đã nhận được Giải thưởng cho đội thi nỗ lực nhất trong FDI Moot Competition 2018.
Bên cạnh đó, vừa qua vào tháng 12/2021, Khoa Luật Quốc tế đã làm đầu mối hợp tác với Tổ chức ICRC tổ chức thành công Cuộc thi diễn án Luật Nhân đạo quốc tế IHL Moot Court 2021.
Định hướng phát triển của khoa
Phấn đấu giữ vững truyền thống của Khoa trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Phát triển chất lượng nguồn nhân lực của Khoa: Nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Luật Quốc tế. Tăng cường đội ngũ giảng viên có học vị tiến sĩ nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho Khoa.
Tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy theo định hướng thực hành nhằm mục tiêu trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ cho người học đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Tiếp tục xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế: Duy trì và phát triển hoạt động hợp tác tác giảng dạy, nghiên cứu và tổ chức hội thảo với nhiều Trường Đại học và Trung tâm nghiên cứu trên thế giới. (Các đơn vị, cá nhân trong mạng lưới kết nối của Khoa Luật Quốc tế có thể kể đến Trung tâm RECITAL - Research Center for International Transactions and Law, thuộc Trường Đại học Doshisha Nhật Bản và Giáo sư Takasugi, Giáo sư Anselmo Reyes, Giáo sư Irene Kull Khoa Luật Trường Đại học Tartu, Estonia).
Khoa Luật Quốc tế có 02 Bộ môn:
- Bộ môn Công pháp quốc tế: Đảm nhận các học phần bao gồm Luật Quốc tế, Luật Hàng hải quốc tế, Luật Môi trường quốc tế, Luật Kinh tế quốc tế, Luật về Cồng đồng ASEAN, Các khía cạnh pháp lý của Tổ chức thương mại thế giới, Giải quyết tranh chấp về biển.
- Bộ môn Luật Thương mại quốc tế - So sánh: Đảm nhận các học phần bao gồm Luật Thương mại quốc tế, Luật học So sánh, Luật Đầu tư quốc tế, Pháp luật về hợp đồng thương mại quốc tế, Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế giữa các thương nhân, Trọng tại thương mại quốc tế.
[THƯ MỜI THAM GIA HỘI NGHỊ KHOA HỌC CẤP KHOA NĂM 2024: “PHÁP LUẬT QUỐC TẾ TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG 4.0”]
THƯ MỜI VIẾT BÀI THAM DỰ HỘI NGHỊ KHOA HỌC DÀNH CHO NGƯỜI HỌC NĂM 2024
SINH VIÊN KHOA LUẬT QUỐC TẾ ĐẠT GIẢI NHẤT CUỘC THI HÒA GIẢI THƯƠNG MẠI NĂM 2024
TỔNG KẾT HỘI THẢO KHOA HỌC “PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ VIỆT NAM VỀ BẢO TỒN DI SẢN”
[ HỘI NGHỊ KHOA HỌC "PHÁP LUẬT QUỐC TẾ TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG 4.0" ]